Để đến được bản Cát Cát, từ trung tâm thị trấn Sapa xinh đẹp, du khách cứ đi dọc theo con đường hướng về phía núi Fansipan khoảng gần 3 cây số.
Bản Cát Cát nằm ở xã San Sả Hồ, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai. Đây là nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Mông. Đồng thời là cái tên được liệt vào danh sách những địa điểm đáng đi nhất khi du lịch Sapa.
Tọa lạc ngay dưới chân núi Hoàng Liên Sơn, bản Cát Cát như một thế giới riêng biệt nép mình khiêm tốn trong sự che chở của mẹ thiên nhiên. Bao trùm lên bản làng là một màu xanh bất tận của ruộng đồng, màu dịu mát, ngọt lành của cuộc sống, thiên nhiên. Đan vào đó là những ngôi nhà nhỏ bé, đơn sơ, mộc mạc, nơi có những con người bình dị, chân phương đang sinh sống. Mọi thứ đều rất đơn giản, mộc mạc, không hề xa hoa, quý phái nhưng lại hòa quyện với nhau một cách tự nhiên, làm nên những vẻ đẹp hồn hậu nhất, rất đời và rất thơ.
Vẻn vẹn gần 80 hộ dân sinh sống trong bản đa phần đều nằm dọc theo con đường bậc thang lát đá giữa bản, phần còn lại nằm rải rác trên các sườn núi. Vượt qua mấy trăm mét bậc thang là đến trung tâm Cát Cát, nơi hội tụ của ba dòng suối ngày đêm chảy trôi róc rách là suối Tiên Sa, suối Vàng và suối Bạc cùng ngọn thác Cát Cát (còn gọi là thác Tiên Sa) ầm ầm, tung bọt trắng xoá. Gần thác có hai chiếc cầu treo là cầu Si và cầu A Lứ là nơi lý tưởng để du khách thưởng ngoạn và check - in.
Bên cạnh nghề trồng lúa, người Mông ở Cát Cát còn phát triển các nghề thủ công truyền thống như trồng lanh, dệt vải, đan lát dụng cụ sinh hoạt và rèn nông cụ, nghề chế tác đồ trang sức bằng bạc, đồng từ lâu đời và làm ra những sản phẩm tinh xảo, kỳ công như: vòng cổ, vòng tay, dây xà tích, nhẫn… Du khách có thể ghé thăm những làng truyền thống với các khu tranh thêu tay, khu giới thiệu nghề… để tìm hiểu thêm về các nghề độc đáo này. Như vậy, Bản Cát Cát không chỉ thu hút du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng mà còn bởi những nét văn hóa truyền thống mang hồn cốt đồng bào dân tộc Mông.
Vậy còn chần chừ gì nữa mà các bạn không ghé thăm nơi này ngay hôm nay để có cơ hội trải nghiệm, khám phá những phong tục tập quán, nét đẹp trong tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số, cùng thưởng thức những điệu múa dịu dàng của cô gái Mông xinh đẹp, hay điệu khèn, tiếng đàn môi xao động lòng người của những chàng trai Mông và thưởng thức những món đặc sản như: rượu ngô, thắng cố, bánh ngô,…